Vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí và nhận được nhiều giá trị hơn!

Hướng đi nào cho sự phát triển bền vững của cây cau?

Cau là một trong những loài cây lâu năm phổ biến tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Tại Thanh Hóa, ở cau đã trở thành một phần quen thuộc trong cảnh quan nông thôn, đồng thời cũng là một mặt hàng nông sản . Tuy nhiên, với thực trạng phát triển không theo quy hoạch và sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, cây cau tại Thanh Hóa đang đối mặt với nhiều thách thức.

Loài cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc

Tại xã Nga Liên (Nga Sơn), cây cau đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và kinh tế của người dân địa phương. Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ gia đình đã gắn bó với nghề trồng cau, coi đây như một nguồn thu nhập ổn định, tuy không lớn nhưng lại khá bền vững.

Cây cau dễ sống, ít sâu bệnh, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ngập lụt hay hạn hán.

Người dân xã Nga Liên thường nói vui rằng “trồng cau như nuôi con tự lớn”, bởi lẽ cây cau gần như không cần chăm bón nhiều, lại ít gặp rủi ro về sâu bệnh.

Anh Nguyễn Văn Mỹ, một nông dân tại thôn 3, xã Nga Liên, đã có thời gian nhiều năm gắn bó với nghề trồng cau. Đối với anh, cây cau không chỉ là một loại cây dễ chăm sóc mà còn là nguồn thu nhập ổn định, dù không mang lại lợi nhuận cao.

Anh Mỹ chia sẻ:"Cây cau không đòi hỏi nhiều công sức chăm bón. Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với cau, tôi chưa bao giờ phải lo lắng về việc bảo vệ cây khỏi sâu bệnh hay phải đầu tư nhiều vào phân bón".

Với quy mô hơn 200 cây, vườn của anh Mỹ có sản lượng trung bình khoảng 1,4 tấn mỗi năm.

Điều đáng nói, so với những giống cây khác, cau chỉ việc cấy giống một lần mà không cần cấy đảo chiều. “Điều này giúp chúng tôi giảm chi phí mua giống mới mỗi mùa. Cây cứ thế lớn dần, mỗi năm thu hoạch cũng đều đặn và dù lợi nhuận không cao thì không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình" - anh Mỹ chia sẻ thêm.

Thị trường tiêu thụ tự phát – Cơ hội hay rủi ro?

Trong những năm gần đây, cau từ Nga Liên và các vùng lân cận được thương lái thu mua, sơ chế để xuất khẩu, chủ yếu là sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cau vẫn mang tính tự phát và phụ thuộc vào thương lái trung gian. Anh Nguyễn Văn Đông, một nông dân khác tại Nga Liên cho biết, trước đây, cau chỉ được trồng để sử dụng trong gia đình hoặc bán lẻ tại chợ địa phương, hoặc trồng với mục đích tạo cảnh quan. Nhưng khoảng vài năm gần đây, việc xuất khẩu cau sang Trung Quốc bắt đầu nở rộ .

“Đúng là việc xuất khẩu có mở ra cơ hội lớn cho nông dân, nhưng cũng không ít rủi ro khi giá cả luôn thay đổi và hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu thu mua từ phía đối tác nước ngoài", anh Đông chia sẻ.

Sự biến động thị trường khiến nhiều nông dân gặp khó khăn.

Anh Đông nhấn mạnh thêm, vụ năm nay, giá cau ban đầu tăng rất cao do nhu cầu lớn từ Trung Quốc, nhưng sau đó giảm đột ngột khi phía đối tác tạm dừng thu mua.

"Việc trồng cau ở đây phần lớn vẫn mang tính tự phát, chưa có sự can thiệp hay hướng dẫn từ phía chính quyền. Khi có đợt thu mua lớn, giá cau thường tăng mạnh, nhưng sau đó lại giảm ngay lập tức khi thị trường ngừng nhập khẩu. Điều này khiến nông dân chúng tôi không thể dự đoán được và dễ rơi vào cảnh thua lỗ", anh Đông nói.

Cần sự định hướng và hỗ trợ từ chính quyền

Tại Thanh Hóa, việc trồng cau diễn ra một cách tự phát, chưa có quy hoạch vùng trồng cụ thể hay định hướng phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Tương tự như cây dừa, việc trồng và buôn bán cau chỉ là hoạt động thu mua nông sản tự phát, không thuộc sự quản lý hay hỗ trợ từ chính quyền địa phương hay ngành chức năng.

Với những khó khăn hiện tại, người dân trồng cau tại xã Nga Liên nói riêng và toàn tỉnh nói chung rất cần sự định hướng từ chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm đầu ra ổn định và bền vững hơn cho sản phẩm.

Anh Vũ Đình Giang, trưởng thôn 3 xã Nga Liên, cũng có chung quan điểm khi chia sẻ về mong muốn của bà con nông dân: "Người dân trong thôn rất mong chính quyền có những biện pháp hỗ trợ kịp thời để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm cau. Nếu có sự can thiệp từ phía chính quyền trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nông dân sẽ không còn phải lo lắng về giá cả bấp bênh hay việc hàng hóa bị tồn đọng mỗi khi thị trường biến động".

Để cây cau thực sự trở thành sản phẩm nông sản có giá trị cao, nông dân cần nâng cao hiểu biết về thị trường, đồng thời, chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành trồng cau. Việc kết hợp giữa kinh nghiệm và kiến thức sẽ giúp người nông dân tránh được những rủi ro đáng tiếc và hướng tới một tương lai ổn định hơn.