Ngày 21/01/2018     16,915 lượt xem
Tour Hà Nội – Hồ Ba Bể – Bắc Kạn – Cao Bằng – Thác Bản Giốc – Suối Lê Nin 3 ngày 2 đêm
từ2.790.000₫ Giá gốc là: 2.790.000₫.2.490.000₫Giá hiện tại là: 2.490.000₫.
Tour Đông Bắc 6N5Đ: Hà Nội – Hà Giang – Cao Bằng – Pác Bó – Thác Bản Giốc – Hồ Ba Bể từ Tp.HCM
Khởi hành: Thứ 3 hàng tuần
10.990.000 VND 9.990.000 VND
Ngày 5/6/1911, với tâm nguyện “muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào”(1), người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm. Người đã tới nhiều nước, làm nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng. Qua hoạt động thực tiễn trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, Người đã gặp và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở học thuyết Mác-Lênin con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Người quyết định đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên năm 1920.
Những hoạt động xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc(*) được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao. Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cử Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Điều này phù hợp với nguyện vọng cháy bỏng của Người là được đến nước Nga, trung tâm của phong trào cách mạng thế giới để học tập kinh nghiệm lý luận và thực tiễn một cách có hệ thống. Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pari đi Liên Xô. Ngày 30/6/1923, Người đến Pêtơrôgrát, quê hương của Cách mạng Tháng Mười và ít ngày sau Người lên xe lửa đi Mátxcơva. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có mặt trên đất nước Lênin, nơi nhân dân Liên Xô đã được tự do và đang xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng. Trên đất nước của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động, học tập để hướng tới con đường giải phóng dân tộc và góp phần phát triển tư tưởng độc lập tự do cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Bài viết này chỉ xin lược thuật một số sự kiện gắn với quãng thời gian Người sống và làm việc ở quê hương Cách mạng Tháng Mười (1923-1924).
Ngoài những điều kiện tối ưu cho con người của một đất nước tự do thực sự, Mátxcơva lúc này còn là trung tâm của phong trào cách mạng thế giới, nơi đóng trụ sở của Quốc tế cộng sản - Bộ Tổng Tham mưu của những người cộng sản thế giới. Trong môi trường mới mà lúc đó trên thế giới không nơi nào có được, hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc như được tăng thêm sức, chắp thêm cánh. Các mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc được mở rộng thêm ra. Nếu như ở Pháp, Người quan hệ với những người mácxít Pháp, với những chiến sỹ chống thực dân đế quốc thuộc các thuộc địa Pháp thì ở Mátxcơva mối giao tiếp của Người chẳng những gia tăng về số lượng mà cả chất lượng nữa. Tại đây, Người có thể trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm với những lãnh tụ nổi tiếng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, với các chiến sĩ chống đế quốc thực dân trên mọi miền của thế giới và được học tập, nghiền ngẫm những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa cộng sản khoa học(2).
Tất cả những yếu tố đó tạo thành nền tảng để Nguyễn Ái Quốc triển khai hoạt động tuyên truyền của mình với nhiều hình thức phong phú hơn, chất lượng và sâu sắc hơn. Người đã sử dụng nhiều phương tiện thông tin khác nhau để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, trước hết phải kể đến phương tiện báo chí. Từ tháng 9/1923, trên các tờ báo cánh tả Pháp như L’Humanité và La Vie Ouvrière đã xuất hiện các bài viết của Người. Riêng với tờ Le Paria, khi còn ở Pháp, Người là Chủ nhiệm, Chủ bút thì ở Mátxcơva Người như một phóng viên thường trú của báo. Những bài viết của Người gửi cho tờ Le Paria chứa đựng những thông tin về nước Nga - đất nước vĩ đại có sức cổ vũ mạnh mẽ đối với các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng. Người còn viết nhiều bài cho các ấn phẩm định kỳ của Quốc tế cộng sản như tạp chí Thông tin quốc tế, tạp chí Quốc tế nông dân, báo chí của Đảng Cộng sản Liên Xô như tờ Sự thật, Người công dân Bacu. Ngoài báo chí, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sử dụng các phương tiện thông tin mới chưa có trước đó như truyền đơn, sách báo, diễn đàn. Đó là các văn kiện, thư từ của Quốc tế cộng sản và của Người nhân danh Quốc tế Cộng sản gửi cho nhân dân Việt Nam(3); là truyền đơn, là các bài phát biểu, tham luận tại Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Nông dân, Công hội, Thanh niên… Trong đó, đáng chú ý có hai tác phẩm mang tầm vóc tư tưởng lớn: “Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc” (Nhà xuất bản Mátxcơva Mới xuất bản năm 1924) và “Bản án chế độ thực dân Pháp” (ra mắt lần đầu tiên năm 1925 tại thủ đô Pari, trên tập san Inprékor của Quốc tế Cộng sản).
Thời gian hoạt động ở Mátxcơva cũng là thời gian Nguyễn Ái Quốc tham dự nhiều hội nghị quốc tế lớn. Người đã tham gia Đại hội I Quốc tế Nông dân (họp từ ngày 12 đến ngày 15/10/1923), Đại hội V Quốc tế cộng sản (họp từ ngày 17/6 đến ngày 8/7/1924), Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội IV Quốc tế Thanh niên… Tại các diễn đàn của các đại hội đó, Người đã nói lên tiếng nói của nhân dân thuộc địa bảo vệ những luận điểm đúng đắn của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, và tuyên truyền những tư tưởng cách mạng của mình trên lập trường Mácxít. Những lời phát biểu của Người đã để lại những ấn tượng đẹp đẽ trong lòng các đại biểu, đặc biệt là những đại biểu từ các nước thuộc địa và phụ thuộc Á, Phi, Mỹ Latinh. Qua đó, đặt nền móng cho sự liên minh, tình đoàn kết vô sản quốc tế giữa nhân dân Việt Nam và những người lao động thế giới.
Cùng với hoạt động thức tiễn, Nguyễn Ái Quốc luôn hiểu sâu sắc việc cần phải học tập nâng cao nhận thức lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin. Cho nên, cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ tham gia lớp học ngắn hạn của trường Đại học Phương Đông. Được học ở ngôi trường này, Người đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ của phong trào cách mạng Việt Nam. Học xong lớp ngắn hạn tại Đại học Phương Đông, trong khi chờ đợi Đại hội V Quốc tế Cộng sản khai mạc và chờ lên đường về Châu Á, Nguyễn Ái Quốc được nhận vào làm cán bộ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản (theo giấy xác nhận do Pêtơrốp ký ngày 14/4/1924). Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5/1924, Nguyễn Ái Quốc được mời đến Hồng trường nói chuyện với những người đi biểu tình và được Tư lệnh thành phố Mátxcơva cấp giấy phép tự do đi lại trên Hồng trường trong ngày hôm đó. Những hoạt động tích cực này của Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt là sự có mặt của Người trong những nghi lễ quan trọng cho thấy vai trò và uy tín của Người ngày càng được khẳng định ở trung tâm phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Tuy nhiên, khi được sống và hoạt động ở Mátxcơva, điều mà Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rõ nhất, đó là Quốc tế Cộng sản và các đảng ở Châu Âu hiểu biết rất ít về tình hình ở các thuộc địa. Đặc biệt, Người nhận thức rõ rằng, không thể áp dụng một cách máy móc, rập khuôn những nguyên lý về đấu tranh giai cấp của học thuyết Mác vào điều kiện cụ thể của các thuộc địa. Vì vậy, Người xác định sẽ tận dụng mọi cơ hội để có thể giúp những người cộng sản ở phương Tây hiểu rõ hơn về thuộc địa.
Bằng sự quan sát tinh tường tại nhiều thuộc địa của các đế quốc khác nhau, Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rằng các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc; các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng: “Mặc dầu thiếu người sản xuất, Đông Dương cũng đã buộc phải gửi đi 500.000 tấn ngũ cốc để góp phần bảo vệ những kẻ áp bức mình. Những công trái Chiến thắng đã bòn rút đi hàng trăm triệu phrăng. Mỗi năm, người An Nam đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để nộp khoảng chừng 450.000.000 phrăng hầu hết chỉ để nuôi béo bọn ăn bám. Ngoài ra, họ lại còn phải gánh những khoản chi tiêu rất lớn về quân sự mà Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gọi một cách văn hoá là "khoản đảm phụ của dân con”(4). Tóm lại, “nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc”. Từ sự thấu hiểu đó, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục tiến hành đấu tranh không mệt mỏi, phê phán những quan điểm sai trái của một số đảng cộng sản trong cách nhìn nhận, đánh giá về vai trò, vị trí của cách mạng thuộc địa với cách mạng ở chính quốc. Tại Phiên họp lần thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, ngày 1/7/1924, với tư cách là một đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp, và nhân danh một người dân thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc thẳng thắn phê bình cả Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Anh và đảng cộng sản một số nước chưa quan tâm đến cách mạng ở các thuộc địa: “sẽ không phải là quá đáng nếu nói rằng chừng nào Đảng Pháp và Đảng Anh chúng ta chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, thậm chí chưa đề cập đến quần chúng các nước thuộc địa, thì toàn bộ chương trình rộng lớn của hai đảng đó vẫn không có hiệu quả gì. Chương trình ấy sẽ không có hiệu quả gì vì nó trái với chủ nghĩa Lênin”(5).
Ngoài đề tài quen thuộc trên, ở thời kỳ này, Nguyễn Ái Quốc cũng bắt đầu nêu ra những vấn đề mới mẻ trước đó chưa từng có, với chủ đích rõ ràng là hướng cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam nói riêng, các dân tộc thuộc địa nói chung tới Quốc tế cộng sản, tới Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin: “vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”(6).
Trước hết, Nguyễn Ái Quốc cung cấp những hiểu biết, những thông tin về Quốc tế Cộng sản - một đảng cộng sản thế giới, một tổ chức chính trị quốc tế giúp nhân dân thuộc địa chống lại đế quốc chủ nghĩa, dạy cho vô sản giai cấp trong thế giới - bất kỳ nòi giống nào, nghề nghiệp gì, tôn giáo gì- hợp sức làm cách mệnh. Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã dành những tình cảm tôn kính với V.I.Lênin - người sáng lập và lãnh tụ của Quốc tế cộng sản, người đứng đầu nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới: “…tất cả họ, từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó gọi là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin. Chỉ như thế cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình đối với nước đó và lãnh tụ của nước đó…Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”(7). Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc cũng tuyên truyền về thành tích của nước Nga Xô viết và sự giúp đỡ của nước Nga với các dân tộc thuộc địa. Người nhấn mạnh: Cách mạng Nga “không vừa lòng” với việc đọc những bài diễn văn rỗng tuếch và viết ra những quyết định "nhân đạo" đối với các dân tộc bị áp bức mà “dạy cho họ đấu tranh, giúp đỡ họ bằng tinh thần và vật chất” như Lênin đã tuyên bố trong luận cương của Người về vấn đề thuộc địa. Nước Nga cách mạng “không hề một chút do dự” trong việc giúp đỡ các dân tộc mà nó đã thức tỉnh bằng cuộc cách mạng anh dũng và thắng lợi. Theo Nguyễn Ái Quốc, việc thành lập trường Đại học Phương Đông là một trong những việc làm như vậy và Người lớn tiếng kêu gọi các Đảng Cộng sản, các nước thuộc địa gửi con em của mình đến đây để học tập.
Như vậy, chủ đích của Nguyễn Ái Quốc đã rõ ràng: Hướng cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa tới nước Nga Xô Viết, theo gương cách mạng Tháng Mười. Hơn thế nữa, Người còn đặt cách mạng giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới, coi đó là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Tuy nhiên, khác với Lênin, khác với thời đại trước đó, Người cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ khăng khít biện chứng với nhau, “nhịp nhàng như hai cánh của một con chim” nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể bùng nổ và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Ở đây Nguyễn Ái Quốc muốn nhấn mạnh tới vai trò tích cực chủ động của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân. Tầm nhìn chiến lược đó của Người đã được diễn đạt bằng một khẳng định logic từ tháng 5/1921 như sau: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân Châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”(8). Trong bài viết “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” đăng trên tờ La Vie Ouvrière trong năm 1924, lý luận về chủ nghĩa thực dân và phong trào giải phóng thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc càng trở nên sắc nét khi Người viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”(9).
Sau khi nghiên cứu, xem xét cụ thể cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, đặc biệt là xứ Đông Dương thuộc Pháp, trong tác phẩm Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ viết ở Mátxcơva năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”. Xét về “cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây”. Người cho rằng “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” trong các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, do đó “cũng không thể cấm bổ sung "cơ sở lịch sử" của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được” và “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(10). Cũng trên cơ sở nghiên cứu cấu trúc kinh tế, văn hóa, xã hội và kết cấu quyền lực ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: những người cộng sản ở các thuộc địa muốn tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi thì không thể bỏ qua những nét đặc thù của điều kiện cụ thể về tự nhiên và xã hội. Từ những nhận định trên, Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ tập trung vào 3 vấn đề chính: Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam; dự báo về khả năng một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương và nó phải được sự ủng hộ của nước Nga Xô Viết, của giai cấp vô sản toàn thế giới. Có thể nói, trong điều kiện lịch sử khi đó, những nhận định và ý kiến của Nguyễn Ái Quốc được đưa ra trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ thể hiện một tư duy sắc sảo, một thái độ dũng cảm của Người trong việc khẳng định: Thực tiễn là tiêu chuẩn, là sự kiểm nghiệm của chân lý. Mặt khác, báo cáo cũng thể hiện sự nắm vững linh hồn, phương pháp và sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của học thuyết Mác trong điều kiện cụ thể của Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc(11).
Để tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi phải có một giai cấp công nhân giác ngộ, có tổ chức, được vũ trang bằng học thuyết cách mạng nhất - chủ nghĩa Mác-Lênin. Thông qua một loạt bài viết như: “Phong trào công nhân” (9/11/1923), “Nhật Bản” (9/11/1923), “Phong trào công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ”(1/1/1924), “Phong trào công nhân ở Viễn Đông”(25/1/1924)… Nguyễn Ái Quốc bắt đầu có ý thức rõ ràng về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Với công nhân Trung Quốc, Người nhận định: “Chỉ sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, giai cấp vô sản Trung Quốc mới bắt đầu được tổ chức một cách chặt chẽ, song họ đã thu được một số thắng lợi to lớn trong các cuộc đình công. Mặc dù bị bọn quân phiệt đàn áp và bọn thống trị ngoại lai cản trở, các tổ chức của họ vẫn phát triển bình thường và có thể nói là nhanh nữa. Hiện nay những người thuỷ thủ, công nhân luyện kim, công nhân đường sắt là những lực lượng thật sự mà bọn tư bản buộc phải coi trọng”(12). Với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam, Người biểu dương: “Tháng 11 năm 1922, 600 thợ nhuộm ở Chợ Lớn (Nam Kỳ) vì bị bớt lương nên đã quyết định bãi công. Cuộc phản công của bọn chủ liền diễn ra ở khắp nơi, và khắp nơi giai cấp công nhân cũng bắt đầu giác ngộ về lực lượng và giá trị của mình... Đây là lần đầu tiên, một phong trào như thế nhóm lên ở thuộc địa. Chúng ta hãy ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại”(13).
Ghi nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Nguyễn Ái Quốc cũng đồng thời nhận rõ vai trò cách mạng của giai cấp nông dân xuất phát từ thực tế lịch sử của đất nước và những nước cùng cảnh ngộ thuộc địa. Người đã viết nhiều bài báo về tình cảnh nông dân Bắc Phi, nông dân Trung Quốc, nông dân Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc tố cáo những thủ đoạn thực dân để biến nông dân thành nô lệ với hai bàn tay trắng. Trong các bài phát biểu tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản (nǎm 1924) Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ rõ: “Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu”(14). Nguyên nhân là vì “họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo”. Do đó, Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng. Nông dân nhất thiết phải tự nguyện đi với giai cấp công nhân và kết thành một khối. Chỉ bằng cách đó nông dân mới phát huy đầy đủ sức mạnh của mình.
Những hoạt động và kinh nghiệm tích lũy được đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, gánh vác sứ mệnh trọng đại mà lịch sử đã lựa chọn và giao phó cho Người: chuẩn bị về chính trị và tư tưởng để tiến tới thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam. Khi biết sau chiến tranh thế giới thứ nhất, hiện có nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước đang có mặt ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã chọn Quảng Châu làm điểm dừng chân trên hành trình tiến gần về Tổ quốc để tổ chức, đoàn kết, huấn luyện những thanh niên đầy nhiệt huyết đó, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập. Sau nhiều lần đề đạt, nguyện vọng của Người đã được Quốc tế Cộng sản chấp nhận. Với tư cách là cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á. Cuối tháng 10/1924, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva và Người đến Quảng Châu ngày 11/11/1924, xúc tiến việc chuẩn bị thành lập chính đảng kiểu mới cho giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.
Như vậy, mặc dù thời gian lưu lại không lâu lắm (16 tháng) nhưng thời gian hoạt động ở Matxcơva có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc mà cả đối với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Việc học tập trên đất nước Lê nin tươi đẹp, nơi đã vun đắp cho Nguyễn Ái Quốc thực tiễn về chính trị, kinh tế, văn hoá phong phú và bổ ích; đối chiếu, so sánh những kiến thức thu nhận được với thực tế mà Người đã trải qua, đã thu lượm được từ các thuộc địa để từ đó nâng cao nhận thức sâu sắc về lý luận Mác-Lênin, có thêm những kinh nghiệm hoạt động cách mạng, trau dồi phẩm chất, đạo đức uy tín của người cách mạng. Người đã nhận thức và lý giải sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đang đặt ra cho cách mạng vô sản thế giới cũng như cho cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa, từ đó Người đã hoàn thiện thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng của mình và phác thảo được những nét lớn về chiến lược cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
(*) Tên gọi Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên xuất hiện khi Nguyễn Tất Thành gửi bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam tới Hội nghị Véc xây (6/1919)
(1)Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, H.1970, tr.11
(2) Nguyễn Thành, Phạm Xanh…: Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Nxb Thông tin lý luận, H.1986, tr.60
(3) Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam, Nxb Thông tin lý luận, H.1990, tr.78-81
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.246-247
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 277
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.282
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.236-237
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.36
(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.298
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.464-465
(11) Văn Thị Thanh Mai: Hồ Chí Minh hành trình từ làng Sen đến Ba Đình (1890-1969), Nxb Chính trị Quốc gia, H.2010, tr.108-109
(12) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.216
(13) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.2, tr.114
(14) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.289
Ths. Vũ Kim Yến/Phòng ST-KK-TL Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn Minh Thu (st)
Nằm trong tổng thể khu đô thị hiện đại, Handico 30 A1 được thừa hưởng hệ thống tiện ích xanh với 2 công viên rộng rãi, thoáng mát. Đây không chỉ là không gian sinh hoạt chung, nơi để thư giãn và hoà mình với thiên nhiên cũng như diễn ra các hoạt động thể thao rèn luyện sức khoẻ, mà còn là chốn kết nối, kết bạn giữa các cư dân, mở rộng các mối quan hệ thêm phong phú.
Tầng thương mại là nơi mua sắm lý tưởng cho các cư dân, giúp cuộc sống trở nên tiện nghi và dễ dàng hơn khi chỉ cần bước chân ra khỏi cửa nhà là có thể sử dụng nhanh chóng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu.
Tầng hầm đỗ xe với sức chứa lớn và an ninh cao giúp bảo vệ tài sản của cư dân trong mọi điều kiện và loại hình thời tiết.
Handico A1 nối tiếp chuỗi dự án chung cư Handico 30 kiến tạo nên cộng đồng những cư dân tinh hoa và ưu tú, hiện đại và văn minh, cùng hưởng thụ môi trường sống thân thiện, gần gũi và chia sẻ những giây phút trải nghiệm cuộc sống quý giá bên những người thân yêu.
Lần cập nhật cuối 11/11/2024 - 10:16