Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.

Danh mục các dự án Các ngành nghề khác và lĩnh vực kinh doanh khác

© HỘI DOANH NGHIỆP HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO. ĐỊA CHỈ: 60/2 LÝ CHÍNH THẮNG, P. VÕ THỊ SÁU, Q.3, TP.HCM. TEL: 028.38466513 - 38466136 (NỘI BỘ 114). EMAIL: [email protected]. HTTPS://HVNCLC.VN/. HTTPS://WWW.FACEBOOK.COM/PG/HOIDNHVNCLC

(VOV5) - Du lịch thông minh là mô hình được xây dựng dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thống...

Du lịch được Chính phủ Việt Nam đưa lên trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm này đang là cơ hội vàng để thúc đẩy thế hệ doanh nghiệp mới trong lĩnh vực du lịch- du lịch thông minh, với những ý tưởng sáng tạo. Du lịch thông minh được cho là sẽ mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ, tiện ích cho du khách và tối đa hóa hiệu quả kinh doanh của nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong xu thế đó, dự án khởi nghiệp EZGO360, một ứng dụng nhằm tối ưu hóa việc lên lịch trình tổng thể cho những chuyến đi dài ngày của khách du lịch, được đánh giá là một trong những mô hình có tiềm năng phát triển thời gian tới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Du lịch thông minh là mô hình được xây dựng dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thống, trong đó, hạ tầng tích hợp dữ liệu được phát triển đồng bộ, đảm bảo sự tương tác kịp thời giữa 3 bên là nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách. Mở rộng hơn nữa là sự liên kết với các ngành. Các điểm đến trong mô hình cũng là những điểm đến thông minh với hạ tầng công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự phát triển bền vững, tiếp cận thuận lợi với du khách, giúp gia tăng chất lượng của trải nghiệm và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Người tham gia mô hình này cũng là những du khách thông minh. Họ không chỉ tiêu thụ mà còn chia sẻ và tạo ra trải nghiệm, có vai trò quản lý và giám sát để đảm bảo sự hoàn hảo cho những hành trình tiếp theo của mình và những du khách khác.

EZGO360 ra đời là một ứng dụng nhằm tối ưu hóa việc lên lịch trình du lịch cụ thể cho những chuyến đi dài ngày của khách hàng thông qua việc đưa ra lộ trình bằng các thuật toán tự động trên máy tính. Đây là một hướng ứng dụng tương đối mới ở trên thị trường du lịch hiện nay. Chia sẻ về dự án khởi nghiệp này, anh Lê Hà Xuân, người sáng lập EZGO360, cho biết: "Ứng dụng sẽ hướng tới khá nhiều nhóm đối tượng nhưng hiện tại, nhóm đối tượng chính của chúng tôi là nhóm người đi du lịch muốn có sự thoải mái lựa chọn tùy ý, có thể kết hợp giữa những tour du lịch có sẵn và những lộ trình mà họ tự vạch ra. Hệ thống EZGO sẽ kết hợp những đặc tính đó và đưa ra gợi ý cho những người đi du lịch một lịch trình tổng thể phù hợp nhất với yêu cầu của du khách về chi phí, địa điểm cũng như sở thích cá nhân của từng người".

Hiện nay, tại các công ty lữ hành, việc lên lịch trình tour đều do những người có kinh nghiệm tổ chức tour – yếu tố con người thực hiện mà hầu như không có sự can thiệp của công nghệ, máy móc. Cách làm này đang dần không còn phù hợp trong xu thế du lịch hiện nay của đại bộ phận khách hàng bởi lịch trình tour do các công ty lữ hành tổ chức dường như không đáp ứng hết nhu cầu khám phá những điểm đến mới của người sử dụng dịch vụ. Với việc EZGO360 xuất hiện trên thị trường du lịch thông minh, những phần mềm và các thuật toán thông minh sẽ giúp rút ngắn rất nhiều thời gian xử lý cũng như nhân lực trong việc lên lịch trình, từ đó góp phần giải quyết bài toán cân bằng lợi ích của doanh nghiệp lữ hành và yêu cầu của khách du lịch.

Anh Lê Hà Xuân cho biết: "Mục đích của dự án EZGO360 là tạo ra hệ sinh thái du lịch thông minh. Đó là hệ thống công nghệ tương đối lớn với nhiều chức năng, hay còn gọi là micro service, tức là chúng tôi có rất nhiều thứ để phục vụ cho khách hàng lẫn các công ty du lịch bởi 1 nền tảng công nghệ, 1 chức năng đó có thể đưa cho rất nhiều các đối tượng người dùng khác nhau. Ví dụ như lập lịch trình thì không chỉ các công ty du lịch mà du khách cũng có thể tạo ra sản phẩm cho họ bằng các công cụ tự động, nó sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như công sức".

Đánh giá cao tính ưu việt của dự án khởi nghiệp này, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, người có kinh nghiệm trong các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, cho rằng: "Khi áp dụng công nghệ, chúng ta có thể đo lường được hành vi, mô hình của người dùng, từ đó có thể tối ưu hóa, đưa ra những giá trị cho người dùng một cách thuận tiện nhất. Dự án EZGO360 có người sáng lập và đồng sáng lập đều là những người chuyên về công nghệ. Do đó với việc sử dụng big data cũng như những thuật toán thông minh có thể đưa ra rất nhiều tour du lịch có thể giúp du khách lựa chọn 1 cách dễ dàng với chi phí thấp, tiết kiệm được thời gian. Điều quan trọng nhất là có thể chuyển đổi số nhanh trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là phục vụ cho các doanh nghiệp lữ hành. Chúng ta có thể cùng kết nối khai thác dữ liệu, tinh chỉnh dữ liệu để đưa ra những tour tốt hơn rất nhiều".

Du lịch thông minh vẫn là một mô hình mới trên thế giới và tại Việt Nam. Mặc dù mang lại cơ hội mới, nhưng du lịch thông minh cũng đặt ra cho ngành du lịch nói chung và những người làm du lịch nói riêng thách thức trước yêu cầu chuyển đổi số phù hợp. Theo kế hoạch trong thời gian tới, EZGO360 sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong ngành du lịch để hoàn thiện hơn mô hình hoạt động của mình, từ đó mang lại nhiều trải nghiệm du lịch mới mẻ cho người tiêu dùng.

(Thanhuytphcm.vn) – Tối 10/11, Cuộc thi Ý tưởng/dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 đã tìm ra những dự án đạt giải cao nhất ở cả bảng A và B, sau hai ngày diễn ra vòng chung kết (ngày 9 và ngày 10/11 tại Hội trường Thống Nhất).

Dự án (bảng A) đến từ TPHCM “Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami” của Mai Tuấn Anh và Dự án (bảng B) từ tỉnh Đồng Tháp “Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi và mãng cầu xiêm” của nhóm thí sinh Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Nguyễn Ngọc Thanh Hà đã xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững 2024.

Chia sẻ tại buổi bế mạc cuộc thi, giám khảo Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho hay, lần thi năm thứ 10 này, các dự án nhấn khá mạnh đến yếu tố thương mại hóa sản phẩm. Do vậy, ở bảng chấm điểm của ban giám khảo thì phần thương mại hóa sản phẩm là điểm quan trọng. Bởi hiện nay trong thị trường cạnh tranh gay gắt, thói quen người tiêu dùng thay đổi, nếu không hiểu, tính toán và làm được về khía cạnh thương mại hóa sản phẩm thì những ý tưởng có hay đến mấy hay sản phẩm tốt đến mấy cũng khó có thể sống nổi trên thương trường.

Cuộc thi do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA phối hợp cùng Công ty CP Vinamit, Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 967.000.000 đồng, trong đó 222.000.000 đồng tiền mặt cho các ý tưởng/dự án đạt giải ở cả 2 bảng A – B.

Bên cạnh đó, tương ứng với những giải đạt được, các ý tưởng/dự án còn có thêm cơ hội tham gia Hội chợ quốc tế có liên quan đến nông nghiệp – công nghệ thực phẩm cùng Trung tâm BSA; tham gia các lớp học nâng cao kiến thức về phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, thực hành tiêu chuẩn; tham gia kỳ study tour trong nước (học thực tế tại doanh nghiệp, nông trường, trang trại có chuyên gia huấn luyện trong 2-3 ngày); các phiếu mua vật tư nông nghiệp; tham gia Phiên chợ Khởi nghiệp Xanh; thực hiện các clip truyền thông ngắn giới thiệu doanh nghiệp…

Cùng với đó, Ban tổ chức còn có thêm một số giải thưởng chuyên môn khác: Giải thưởng Đồng hành cùng Khởi nghiệp Xanh: Quy đổi hoạt động chụp sản phẩm tại studio chuyên nghiệp của Công ty KV Production dành cho cả 2 bảng A và B; 30 suất tham gia khóa học và thực tập về bao bì, tư vấn thiết kế bao bì… học trực tiếp tại nhà máy Tafuco (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Qua 10 năm, cuộc thi Khởi nghiệp Xanh đã có gần 2.341 thí sinh với 1.560 dự án đại diện cho 62 tỉnh, thành tham gia cuộc thi; hơn 300 giải thưởng các loại đã được trao. Đặc biệt, trong số ý tưởng tham gia cuộc thi đã có gần 30% số ý tưởng đã thực sự biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần tạo nên giá trị thực tiễn cho xã hội tại các địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa vùng núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

Lần đầu tiên trong Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ Hậu Giang tổ chức hàng năm, xuất hiện một dự án khởi nghiệp khá mới, mang tên “Dự án khởi nghiệp mô hình du lịch nông nghiệp (du lịch xanh) đạt chuẩn OCOP” của nhóm tác giả ở huyện Châu Thành A.

Khách tham quan cùng thưởng thức món ngon ngay dưới tán cây măng cụt của vườn nhà bà Dân.

Đó cũng là dự án đạt giải nhất tại Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ Hậu Giang năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Cụ thể, mô hình du lịch xanh được thực hiện bởi nhóm tác giả Trần Thị Tuyết Phượng, Phạm Thị Cẩm Dân và Trần Võ Tú Trinh, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A. Đây là dự án du lịch nông nghiệp tạo cho du khách có điều kiện trải nghiệm nhiều điều thú vị trên vườn cây ăn trái đặc trưng và thế mạnh của địa phương này.

Ý tưởng làm du lịch nhen nhóm từ vườn nhà

Bà Phạm Thị Cẩm Dân, chủ mô hình du lịch xanh, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, cho biết: “Du lịch xanh hiện nay đang là xu thế phát triển bởi cuộc sống hiện tại con người ngày càng ít có dịp hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên vùng nông thôn. Do đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng làm mô hình du lịch tham quan vườn cây ăn trái để giúp du khách có thêm sự trải nghiệm thú vị khi được hòa mình với thiên nhiên, với cuộc sống dân dã vùng nông thôn”.

Thật thú vị, khi ý tưởng làm du lịch của bà Dân được nhen nhóm từ sau những lần đón tiếp bạn bè, người thân đến chơi nhà, tham quan vườn, cùng tổ chức tiệc tùng ngay tại vườn cây trái. Mỗi đoàn khách đến đây, đều cho những phản hồi tích cực về sự trải nghiệm thú vị tại vườn nhà. Đó là động lực để gia đình bà quyết định phát triển mô hình du lịch xanh ngày hôm nay. “Từ năm 2011, vườn nhà tôi bắt đầu được du khách nơi xa biết đến. Nhưng mãi đến khoảng cuối năm 2021, mô hình du lịch xanh bắt đầu được chúng tôi triển khai cho đến nay”, bà Dân chia sẻ.

Cũng theo bà Dân, để có điều kiện làm du lịch, gia đình bà đã tận dụng vườn cây ăn trái sẵn có với nhiều cây trồng cho trái bốn mùa, như măng cụt, xoài, chôm chôm, sầu riêng, dừa, mít, dâu, chuối… trên diện tích 2,3ha. Đối với ao trong vườn được tận dụng để thả cá và trồng bông súng để tạo cảnh quan. Qua đó, vừa giúp du khách có cơ hội trải nghiệm câu cá, vừa có thể chế biến thành món ăn để họ thưởng thức.

Có lẽ, điểm thu hút du khách nhất là nhờ vườn măng cụt hơn 1ha có tuổi đời hàng chục năm cho trái xum xuê. Độc đáo của vườn cây này là sở hữu 2 gốc măng cụt tươi tốt đã hơn trăm năm tuổi. “Lâu nay, bạn bè, người quen đến chơi đều tỏ ra thích thú với vườn măng cụt và nhiều loại cây trái ngon đặc trưng của miền Tây có tại vườn nhà. Sự hấp dẫn của 2 cây măng cụt trên 100 tuổi đời đối với nhiều người cũng là điều kiện để chúng tôi phát triển du lịch vườn”, bà Dân bộc bạch.

Điểm nổi bật nữa để thu hút du khách gần xa, là tất cả cây trồng, vật nuôi trong vườn đều được nuôi trồng theo hướng sạch, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, phân bón, thuốc hóa học; ưu tiên những sản phẩm tự nhiên, dùng phân vi sinh và phân bón hữu cơ. Với phương pháp này, vừa mang lại năng suất cao, vừa không làm ảnh hưởng môi trường, kéo dài tuổi thọ cây ăn trái cũng như an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sẽ đầu tư thêm hạng mục không gian trải nghiệm

Cùng bạn bè đến trải nghiệm vào dịp cuối tuần, bà Nguyễn Thị Yến Tuyết, ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, bày tỏ: “Sau một tuần làm việc, vào khu vườn của bà Dân cho tôi cảm giác rất thư thái, dễ chịu. Càng thích thú hơn khi vừa được tận mắt chứng kiến vườn cây trĩu quả, vừa tận tay hái trái cây sạch nên không chỉ thưởng thức được món ăn ngon từ cây trái trong vườn mà còn tận hưởng được không khí trong lành của vườn cây rộng lớn. Theo tôi, nếu kết hợp thêm một số hoạt động giải trí qua các trò chơi dân gian, điểm dừng chân, khu nghỉ dưỡng trong vườn nữa thì đây sẽ là điểm đến rất hút khách trong tương lai”.

Theo nhóm tác giả thực hiện Dự án khởi nghiệp mô hình du lịch xanh, hiện việc quảng bá du lịch chủ yếu được thực hiện thông qua các thành viên của nhóm trên các trang mạng xã hội, từ những người thân, bạn bè và du khách đã từng đến tham quan vườn. Đáng ghi nhận là sau khi đạt giải tại Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ, đến nay, khu du lịch này đã có nhiều người biết đến hơn và hứa hẹn lượng lớn khách tham quan sẽ đến đây vào dịp hè sắp tới.

Du khách đến đây không thu vé vào cổng nên có thể thoải mái tham quan vườn cây tùy thích. Khi họ có nhu cầu thưởng thức trái cây trong vườn sẽ tự hái và được tính theo giá bán của thị trường. Chưa kể, du khách có nhu cầu dùng tiệc với các món ăn dân dã đặc sắc của địa phương, họ vẫn có thể yêu cầu chủ vườn thực hiện sẵn hoặc tự tay trải nghiệm quy trình chế biến theo hướng dẫn với mức giá phải chăng.

Thời gian tới, nhằm tạo thêm sức hút với du khách, dự án sẽ đầu tư thêm một số hạng mục mở rộng không gian trải nghiệm. Cụ thể như xây dựng thêm các tiểu cảnh để du khách có nhiều không gian chụp ảnh, bố trí nhà sàn để khách tham quan vừa nghỉ chân, vừa thưởng thức cảnh đẹp và các món ăn miệt vườn. Mặt khác, lập trang web riêng để quảng bá du lịch rộng rãi đến du khách; tăng cường liên kết với các công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch xanh nhằm đưa mô hình du lịch xanh của địa phương vào một trong những điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Hậu Giang.

“Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng kết nối cùng các nhà vườn trên địa bàn nhằm tạo sự phong phú về chủng loại vườn cây trái; kết nối với các chị em phụ nữ giỏi tay nghề nấu nướng để cho ra những bữa ăn ngon, đặc sắc từ nông sản địa phương. Với cách làm này, không những sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách tham quan mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo việc làm cho chị em phụ nữ tại địa phương”, bà Dân thông tin thêm.

Với mô hình kinh tế bình dị nhưng có sức hút đặc biệt với những người yêu thích, khám phá thiên nhiên, đã mở ra một hướng đi mới cho hoạt động du lịch của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Việc nhân rộng cách làm hay và hiệu quả từ nông nghiệp cũng là việc làm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; tạo sân chơi, cùng những hoạt động trải nghiệm để giúp mọi người vun đắp tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.

Vậy nên, mô hình du lịch xanh đang được xem là dự án có nhiều triển vọng và phù hợp với định hướng phát triển thế mạnh du lịch nông nghiệp của huyện Châu Thành A trong thời gian tới.